“Ý tưởng trang trí hoa sen và Khuê Văn Các là của phía Tổng thầu Trung Quốc, họ đề xuất từ khi thiết kế đoàn tàu, nhằm đồng bộ về họa tiết văn hoá giữa nhà ga và đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông” – đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt chia sẻ.
Liên quan đến việc sử dụng và khai thác dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, nhiều người đặt câu hỏi: Việc di chuyển, đi lại của hành khách từ mặt đất lên ga trên cao như thế nào?
Ban Quản lý dự án Đường sắt cho hay, mỗi nhà ga trên cao được tổ chức 3 hình thức đi lại cho hành khách, bao gồm: Cầu thang bộ, thang cuốn và thang máy dành cho người khuyết tật. Theo thiết kế kỹ thuật, mỗi điểm ga có 2 lối lên-xuống, tương ứng sẽ sử dụng 2 cầu thang bộ, 2 thang cuốn và 2 thang máy phục vụ người dân đi lại.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông được khởi công tháng 10/2011, sử dụng vốn vay của Trung Quốc với tổng mức đầu trên 18.000 tỷ đồng. Tuyến đường dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao.
Hiện nay, khối lượng xây lắp công trình của Dự án, phần hạ tầng chạy tàu cơ bản hoàn thành. Toàn bộ các nhà ga trên cao của tuyến đường sắt cũng đã hoàn thành kết cấu chính và cơ bản hoàn thành công tác trang trí, hoàn thiện các nhà ga.
Dự án có 13 đoàn tàu, phía Trung Quốc đã bàn giao đoàn tàu đầu tiên vào tháng 2 và đang đặt tại điểm ga La Khê. 12 đoàn tàu còn lại sẽ được phía Trung Quốc vận chuyển về Việt Nam vào khoảng từ tháng 6 – 7 năm nay.
Thiết kế đoàn tàu chạy trên cao gồm loại 4 toa trong giai đoạn đầu và 6 toa ở giai đoạn sau. Mỗi đoàn tàu 4 toa có sức chở hơn 1.200 hành khách, tốc độ tối đa 80 km/h. Tàu có thời gian khai thác hàng ngày từ 5h sáng đến 23h đêm (18 tiếng, với tần suất tối đa 2 phút/chuyến). Năng lực vận chuyển tối đa 28.000 hành khách/giờ.